Hàng nhập khẩu vào Malaysia đang bị trì hoãn tới hai tuần do các hãng vận tải quốc tế đã định tuyến lại hành trình vận chuyển hàng hóa để tránh các cuộc tấn công có thể xảy ra ở Biển Đỏ.

Tàu thuyền di chuyển trên Biển Đỏ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, hàng nhập khẩu vào Malaysia đang bị trì hoãn tới hai tuần do các hãng vận tải quốc tế đã định tuyến lại hành trình vận chuyển hàng hóa để tránh các cuộc tấn công có thể xảy ra ở Biển Đỏ. Điều này có thể khiến người dân Malaysia sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho hàng xa xỉ nhập khẩu, như rượu vang và thực phẩm, vận chuyển từ châu Âu.

Theo dữ liệu từ Tập đoàn Ngân hàng Đầu tư Maybank Malaysia (MIBG), giá cước vận chuyển container trên tuyến Á-Âu đã tăng hơn 600% kể từ khi xung đột ở Gaza nổ ra, khiến các nhà nhập khẩu ở Malaysia không có nhiều cơ hội để giảm chi phí. Một số nhà nhập khẩu đã quyết định tạm dừng đặt hàng mới, với các nhà cung cấp châu Âu. Một số doanh nghiệp nhập khẩu rượu vang châu Âu cho biết việc nhập khẩu hàng mới vào thời điểm này sẽ khiến chi phí gia tăng đè nặng lên người tiêu dùng.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, không thể tránh khỏi phí vận chuyển cao hơn cũng như sự chậm trễ và gián đoạn hậu cần do cuộc khủng hoảng Biển Đỏ gây ra. Họ cảnh báo rằng tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn nếu căng thẳng vẫn tiếp diễn.

Chuyên gia Suhaimi Ilias, Nhà kinh tế trưởng của MIBG nói: “Đối với Malaysia, điều này có thể làm tăng chi phí và gây ra sự chậm trễ hoặc gián đoạn trong chuỗi cung ứng đối với hàng nhập khẩu chính từ châu Âu trong các ngành như hóa chất, máy móc và ô tô”.

Theo dữ liệu từ Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp quốc tế Malaysia (MITI), thương mại hai chiều giữa Malaysia và Liên minh châu Âu (EU) đạt trị giá hơn 45,8 tỷ USD, chiếm 7,6% tổng thương mại của quốc gia Đông Nam Á này vào năm 2022. Trong đó, nhập khẩu của châu Âu trị giá hơn 19,09 tỷ USD, chủ yếu gồm các sản phẩm điện – điện tử, hóa chất và các sản phẩm hóa chất, và máy móc.

Việc chuyển hướng vận tải hàng hải kéo dài từ Kênh đào Suez đến Mũi Hảo Vọng, sẽ làm tăng thời gian giao hàng thêm hai tuần, có thể gây thêm áp lực lạm phát lên người tiêu dùng thông thường ở Malaysia.

Chuyên gia Mohd Afzanizam Abdul Rashid, Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Muamalat Malaysia chia sẻ, hơn 50% thương mại quốc tế của quốc gia Đông Nam Á này phụ thuộc vào vận tải đường biển. Trước cuộc khủng hoảng Biển Đỏ, Chính phủ Malaysia đã dự báo lạm phát sẽ dao động trong khoảng 2,1-3,6% vào năm 2024 trong bối cảnh đang lên kế hoạch cơ cấu lại các khoản trợ cấp trên diện rộng.

Mới đây nhất, Chính phủ của Thủ tướng Anwar Ibrahim tuyên bố, tình hình hiện tại vẫn có thể kiểm soát được và chưa nhận được khiếu nại từ các nhà nhập khẩu hoặc xuất khẩu về bất kỳ sự gia tăng nào về chi phí vận chuyển và điều hành.

Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Malaysia Anthony Loke cho biết Malaysia vẫn đang theo dõi chặt chẽ tình hình và kỳ vọng tình trạng khó khăn hiện tại sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong ngành hàng hải Malaysia xác nhận người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt hại và rủi ro đối với ngành vận tải biển địa phương không đáng kể.

Ông Cheah Sin Bi, thành viên hội đồng điều hành của Hiệp hội chủ tàu Malaysia, nói việc chuyển hướng vận tải hàng hóa tránh khỏi Biển Đỏ sẽ không đẩy chi phí vận chuyển hàng hóa lên đến mức của thời kỳ bùng phát đại dịch COVID-19, khi chứng kiến thương mại toàn cầu gần như đình trệ do các biện pháp hạn chế di chuyển nghiêm ngặt.

Chuyên gia kỳ cựu trong ngành hàng hải Anthonie Versluis cho biết, tác động từ cuộc khủng hoảng Biển Đỏ đối với châu Âu sẽ rõ rệt hơn so với Malaysia, vì khu vực này vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hầu hết các sản phẩm tiêu dùng sang châu Á.

Theo chuyên gia Versluis, tình hình hiện tại sẽ ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu trước mắt do giá cước vận chuyển container tăng vọt. Tuy nhiên, mối lo ngại lớn hơn là khả năng cuộc xung đột Gaza lan rộng ra toàn khu vực vì lực lượng Houthi tuyên bố sẽ gia tăng các cuộc tấn công vào các tàu của Mỹ.

An Nguyễn (P/V TTXVN Tại Kuala Lumpur)

Nguồn: Fireant.vn